Tỷ lệ hưởng tối đa tới 75% nhưng vì tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội thấp nên lương hưu bình quân người Việt chỉ đạt 5,4 triệu đồng, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

CÓ DOANH NGHIỆP TÁCH THÀNH 100 KHOẢN PHỤ CẤP, PHÚC LỢI ĐỂ "NÉ" ĐÓNG BẢO HIỂM

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện Việt Nam theo mô hình tính mức hưởng trước nên mức đóng luôn phải đuổi theo, nhằm cân đối độ bền của Quỹ hưu trí tử tuất, các hiệp hội đang so sánh với nhiều nước có mô hình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội không tương đồng với nước ta.

Tỷ lệ đóng cao và tỷ lệ hưởng cao, nhưng lương hưu thực tế của người lao động lại thấp. Năm 2022, mức lương hưu bình quân hằng tháng chỉ đạt 5,4 triệu đồng do nguyên nhân là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội rất thấp. Thống kê năm 2022, tiền lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội của người lao động chỉ đạt 5,7 triệu đồng/tháng.

Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định từ năm 2018 trở đi, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội gồm tổng mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng lao động, nhằm từng bước tiệm cận tiền lương, thu nhập thực tế của lao động.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng bảo hiểm xã hội.

Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập: Loại làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, loại để quyết toán và thu nhập thực tế.

“Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và cơ quan Bảo hiểm xã hội không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng bảo hiểm xã hội”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải.

Về nguyên tắc mức hưởng chế độ hưu trí được xác định trên hai yếu tố là thời gian đóng (để tính ra tỷ lệ hưởng), và mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất điều chỉnh giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, để nhiều người lao động được hưởng lương hưu hơn.

Tuy nhiên, dự thảo Luật không đề xuất việc tăng mức đóng, cũng như không đề xuất giảm tỷ lệ hưởng lương hưu để bù đắp việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp này.

Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc các doanh nghiệp đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc phải xem xét giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (tỷ lệ hưởng lương hưu).

Từ đó, dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ thấp hơn so với thời gian đóng tối thiểu 20 năm. Vì thế không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.

Từ những so sánh nêu trên cho thấy rất khó để đánh giá mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam là cao hay thấp so với các quốc gia khác.

“Việc đánh giá tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cần được xem xét gắn với mô hình bảo hiểm xã hội tại mỗi nước, mối quan hệ giữa mức đóng với quyền lợi hưởng các chế độ, các yếu tố kinh tế vĩ mô, như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, chi phí lao động”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin.

Liệu Hà Nội có đang “lạm phát” phố đi bộ? Nên phát triển dựa trên chất lượng hay số lượng?

Hàng ngày, anh Nguyễn Văn Nam, một nhà thiết kế, đều đi làm qua khu vực công viên nước Hồ Tây. Điểm khiến anh lưu tâm là tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn hiện đã không còn chức năng dành riêng cho bộ hành, mà đã được chuyển đổi thành một địa điểm văn hóa, không gian sáng tạo, tổ chức các sự kiện.

Anh Nam chia sẻ quan điểm về thất bại của phố đi bộ Trịnh Công Sơn: “Hồ Tây gần như không có dịch vụ bổ trợ gì đi theo, nên phố đi bộ không hấp dẫn được tôi. Đặc thù mật độ dân cư trên đấy không quá cao. Các khu biệt thự thì cũng đã có sẵn đường nội bộ rồi. Còn điều quan trọng nhất, Hồ Tây không hẳn là điểm đến du lịch quá nổi bật ở Hà Nội, nên có thể nó sẽ không dễ thành công như Hồ Gươm”.

Phố đi bộ Trần Nhân Tông chuẩn bị mở rộngphần không gian xung quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng). Hiện phần lòng đường phía trước cổng công viên Thống Nhất khá trống vắng người đi bộ.

Một số nhà chuyên môn quy hoạch kiến trúc cho rằng, phố đi bộ ở quận Tây Hồ thất bại vì chưa xác định được rõ chức năng, nhiệm vụ, chưa tạo được sức hút từ dịch vụ thương mại, chưa đồng bộ nhu cầu đi chơi thư giãn của người dân với các nhu cầu văn hóa khác; và chưa có nguồn lực để cải tạo nhà quanh phố đi bộ phù hợp với mục đích mới của khu vực.

Trong khi đó, chị Lê Hồng Tuyến, trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), thường xuyên dẫn các con đi chơi ở các tuyến phố đi bộ vào dịp cuối tuần. Đánh giá về tuyến phố đi bộ mới là Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), chị Tuyến ủng hộ việc tạo thêm các không gian vui chơi, giải trí cho người dân và trẻ nhỏ vốn đang rất ít ỏi.

Tuy nhiên, theo chị Tuyến, có một số bất cập về giao thông: “Nhược điểm lớn nhất ở phố đi bộ Trần Nhân Tông là thời gian cấm đường, chỉ một mặt còn lại sát hồ Thiền Quang dành cho 2 chiều ô tô, xe máy. Có những buổi trưa không hề có bố mẹ nào cho trẻ nhỏ ra đường đấy chơi cả. Vì công viên Thống Nhất bên cạnh đã là một không gian đi bộ rồi, không nhất thiết tràn ra và chiếm một mặt đường phía trước nữa."

Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây thành công nhờ đáp ứng nhu cầu văn hóa, lịch sử hài hòa với nhu cầu giải trí, ẩm thực và du lịch

Chị Tuyến băn khoăn về hiện tượng thương mại hóa quá mức ở các tuyến phố đi bộ Hồ Gươm và phố Trần Nhân Tông. Đơn cử như sự tràn lan của hàng rong và các dịch vụ xe điện, xe ắc quy, xe scooter tốc độ cao; hay biến không gian đi bộ thành hội chợ ăn uống mất trật tự và vệ sinh:

“Theo tôi, cơ quan chức năng cần quản lý chặt hơn những dịch vụ như vậy. Các con bị thói quen ra phố đi bộ là chơi những trò như vậy, mà không phát triển các trò chơi dân gian như ô ăn quan, đánh chuyền hay nhảy lò cò. Kể cả người lớn điều khiển xe điện nhưng vẫn có thể va chạm, và gây xích mích giữa các gia đình. Và tôi đồng tình với việc không nên tổ chức các gian hàng mang tính thương mại hóa cao quá, đi kèm với việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sau hội chợ rất khó. Nó làm khung cảnh phố đi bộ rất nhem nhuốc”.

Trước thông tin quận Hai Bà Trưng mở rộng không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông-hồ Thiền Quang, quận Ba Đình dự kiến phố đi bộ hồ Ngọc Khánh, quận Đống Đa mở tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông, và hàng loạt tuyến đi bộ kết hợp ẩm thực khác, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho rằng, các địa phương cần làm tốt “đề bài”, tức là định nghĩa rõ mô hình, mục tiêu và điều kiện thực hiện, tránh hiện tượng làm theo phong trào.

“Định nghĩa làm rõ thì sẽ được đón nhận tốt. Chứ không nên theo phong trào kiểu quận này có quận kia cũng phải có, không nhất thiết phải ‘nặn’ ra. Cần tránh điều ấy. Cơ sở ấy có đủ điều kiện thành phố đi bộ không, hay ‘lên gân’ nhiều quá, không dựa vào bối cảnh thực tế có sẵn để nâng lên. Ví dụ phố cổ làm rất dễ dàng, có sẵn hàng quán lâu đời hai bên, có nhiều câu chuyện văn hóa hấp dẫn, chứ không phải chúng ta đặt một thứ, xong bày biện ra. Có khi không giải quyết được toàn bộ, mà phải ‘cấy’ vào nhiều quá các vấn đề”, Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức cho biết.