Ngày Môi Trường Thế Giới 2024 Chủ Đề
Ngày Môi trường thế giới là ngày bảo vệ môi trường, có tên tiếng Anh là World Environment Day, đây là ngày mà toàn thể người dân trên thế giới cùng tham gia vào các hoạt động khác nhau do UNEP (Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc) tổ chức nhằm bảo vệ và chăm sóc cho môi trường Trái đất. Đây cũng là ngày để nâng cao nhận thức của con người về sự biến đổi khí hậu, ý thức về vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn của sự sống, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Ngày Môi trường Thế giới là gì?
Ngày Môi trường Thế giới còn có tên gọi khác là ngày bảo vệ môi trường, được viết theo tên tiếng anh là World Environment Day. Đây cũng chính là một ngày đặc biệt mà người dân trên toàn cầu cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường và Trái Đất của chúng ta. Thông qua các hoạt động ý nghĩa và thiết thực, mỗi chúng ta cần có trách nhiệm hơn đối với môi trường – Trái Đất xanh.
Ngày 5 tháng 6 năm 1972 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định chọn làm Ngày Môi trường Thế giới và giao cho chương trình Môi trường (UNEP) của tổ chức Liên Hợp Quốc đứng ra tổ chức kỷ niệm.
Trong ngày 5/6, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ công bố chính thức thông điệp bảo vệ môi trường theo từng năm. Đặc biệt trong đó không thể thiếu nội dung định hướng các vấn đề về môi trường và bảo vệ môi trường trên toàn thế giới. Đó cũng dịp để các tổ chức môi trường, chính phủ tham gia ký kết các hiệp ước về môi trường.
Vì sao Ngày Môi trường Thế giới ra đời?
Bắt đầu từ những năm 1960, những dấu hiệu cho thấy sự phát triển ngày càng tăng của nạn suy thoái môi trường đã ngày một rõ ràng hơn, con người đã bắt đầu ý thức được về những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống.
Hội nghị của Liên Hợp quốc về Con người & Môi trường tổ chức tại thủ đô Stockholm của Thuỵ Điển từ 5 - 6/6/1972 là kết quả của những nhận thức mới này, là hành động đầu tiên đánh dấu sự nỗ lực chung của toàn thể nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường.
Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc cũng đã được thành lập vào ngày 5/6/1972. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn Ngày Môi trường Thế giới 5/6 từ năm 1972 và giao cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Hằng năm, vào ngày này lễ kỷ niệm trọng thể được tổ chức tại hơn 100 nước trên thế giới.
Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảovệ môi trường.
Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường; ủng hộ mối cộng tác để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.
Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/
Lịch sử, ý nghĩa của Ngày Môi trường thế giới
Về nguồn gốc, ngày Môi trường Thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 5/6/1972 tại Stockholm của Thụy Điển. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (United Nations Environment Programme) đã chính thức công bố sự kiện trọng đại này và được hơn 150 quốc gia trên thế giới hưởng ứng từ năm 1972 đến nay.
Vào dịp này, các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được đẩy mạnh tổ chức trong tuần lễ quanh ngày 5/6. Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau vào mỗi năm.
Ngày Môi trường thế giới có ý nghĩa cực kỳ lớn đối với môi trường sống của con người trên toàn thế giới. Đây chính là sự kiện giúp cả thế giới cùng nhau khơi lại nguồn cảm hứng, thúc đẩy tư tưởng và hướng về môi trường sống, cùng nhau chung tay thực hiện các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Mỗi năm sẽ có mỗi thông điệp chính thức khác nhau về ngày Môi trường thế giới do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc quyết định và được thông tin đến các quốc gia và người dân trên toàn thế giới. Thông điệp ấy sẽ bao gồm định hướng về các vấn đề môi trường và bảo vệ không gian xanh được đưa ra để tất cả các quốc gia đều đồng lòng ký kết thực hiện.
Quan trọng hơn hết, đây chính là ngày quan trọng có thể truyền tải thông điệp ý nghĩa về môi trường tới các em nhỏ - những thế hệ làm chủ Trái Đất của tương lai. Để từ đó, các em sẽ có thể hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và cùng nhau chung tay, góp sức bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.
Các hoạt động hưởng ứng dành cho dịp này được diễn ra rất nhiều dưới nhiều dạng hình thức và quy mô khác nhau. Một trong số đó có thể kể đến vài hoạt động nổi bật như: Trồng cây, đạp xe diễu hành vì môi trường, dọn vệ sinh môi trường, hòa nhạc xanh, thi viết, thi vẽ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, chiến dịch dọn rác thải, chiến dịch trồng cây xanh, tái chế rác thải, ý tưởng về thi thiết kế thời trang...
Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam tham gia Ngày môi trường thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tham gia và thực hiên ngày Môi trường thế giới và còn tích cực hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất... Các sự kiện này tập trung các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của mọi người luôn chống rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tái sử dụng và tái chế chất thải, khí tượng, động vật hoang dã... qua đó, cộng đồng quốc tế hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Tại Việt Nam, ngày Môi trường Thế giới cũng được nhiệt tình hưởng ứng. Chính phủ cùng các Bộ, ngành luôn kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh từ những những hành động rất nhỏ nhưng có ý nghĩa đối với môi trường như: treo băng rôn, áp phích, pano để tuyên truyền, tổ chức nhiều buổi mít tinh hưởng ứng, các buổi ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; tiến hành thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại cơ quan đơn vị và khu dân cư và có cả việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, nhiệm vụ, đề án, dự án về bảo vệ môi trường…
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024
Liên hợp quốc lựa chọn chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience), Ngày Môi trường thế giới năm 2024 kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, bảo vệ trái đất, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Cùng hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu... cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực, tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất; Tăng cường các hoạt động phòng chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã...
hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2024 tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường 2020”, ngày 05 tháng 6 năm 2024, tại Trụ sở số 01 Liễu Gia, Ba Đình, Hà Nội.
Hội thảo với mục tiêu trao đổi, thảo luận, cung cấp thông tin về quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, vai trò của di sản thiên nhiên trong phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn triển khai các quy định pháp luật có liên quan tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng, Viện Địa lý nhân văn phối hợ với Công Đoàn, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm tổ chức một số hoạt động khác: phát động cuộc thi chung tay bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên Việt Nam; tổ chức chương trình đổi rác lấy cây xanh, trưng bày, triển lãm tranh ảnh về bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản thiên nhiên...
Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa (Beat plastic polution) là chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2023, nhằm tập trung vào các giải pháp đối với ô nhiễm nhựa. Tại Việt Nam, thời gian qua hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, nhiều mô hình, sáng kiến thiết thực chống rác thải nhựa đã được triển khai.